Câu hỏi của đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khăp: Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào?... một lần nữa cho thấy nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt.
“Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?...”, câu hỏi của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp tại nghị trường Quốc hội một lần nữa cho thấy nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời nếu không có phương án xử lý trong khi nguồn năng lượng này đang phát triển ồ ạt.
Mạnh đầu tư điện, nhẹ xử lý pin
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đầu tư điện mặt trời (ĐMT) đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu ĐMT đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến giữa năm 2020, tổng công suất ĐMT được quy hoạch đã lên đến 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm gần 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện.
Như vậy, công suất ĐMT đang vận hành hiện tại đã vượt chỉ tiêu của quy hoạch năm 2020 gấp 6 lần và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025. Theo EVN, trong 6 tháng đầu năm, ĐMT phát lên lưới 4,71 tỉ kWh, tăng 5,35 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của EVN đến cuối năm 2019 cũng cho thấy, đã có khoảng 15.000 MW công suất các dự án ĐMT được Thủ tướng phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII.
Đáng nói, trong khi ĐMT phát triển như vũ bão thì vấn đề xử lý pin từ nguồn điện này lại khá lơ là. Giải đáp thắc mắc trên của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án ĐMT. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ. Quan trọng hơn, dù ĐMT đã phát triển mấy năm nay nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.
GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, nhận xét thực tế, với tuổi thọ một dự án ĐMT đến 20 - 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn “mỏng” hay nói đúng hơn là chưa có. Bài toán phát triển ĐMT gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên trong nỗ lực tăng tốc phát triển ĐMT của các nhà quản lý. “Trong thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút đầu tư mà “bỏ quên” chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn”, GS Trần Đình Long nhận xét.
Ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước
Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong các tấm pin quang điện có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than. Các tấm panel, tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án ĐMT cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Trên thế giới, thực ra không có nước nào quy định rõ ràng, đầy đủ các quy định về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn. Tuy nhiên ở nước ngoài, họ có nhà máy sản xuất tại chỗ, khi sản xuất các tấm pin này, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng công nghệ khử bỏ lượng kim loại nặng. Đối với các nước phải nhập khẩu, điều kiện khử bỏ kim loại nặng hoặc “ứng trước” chi phí xử lý rác thải thông qua giảm giá thành có thể đã được ràng buộc trong hợp đồng. Trong khi tại Việt Nam hầu hết là lắp ráp, đi mua, không ràng buộc cụ thể các điều kiện này trong hợp đồng mua bán và cũng không kiểm tra lại khi nhập về”, TS Lâm nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giải thích các tấm pin gây thải ra môi trường nặng hay nhẹ liên quan đến chất lượng của pin, tỷ lệ các thành phần mà nhà sản xuất sử dụng. Các thành phần sản xuất tấm pin gồm nhựa, silicon, một số hoạt chất dẫn có tính dẫn điện như thạch anh, kim loại dẫn điện. Tuy nhiên, nhựa vẫn là thành phần chính trong mỗi tấm pin. Việc bóc tách các thành phần này không khó, nhưng thực tế trong các quy định chỉ nói thu gom còn xử lý bóc tách không nói rõ. Mặt khác, về khoa học, hầu hết các tấm pin đã dùng hết tuổi thọ sẽ phải bỏ vì tái tạo còn tốn nhiều chi phí hơn cả thay mới. Với bối cảnh xã hội Việt Nam, người dân có thể sẽ đập nhỏ, vứt bừa bãi như rác thải thông thường. Do đó, vấn đề xử lý ô nhiễm từ chất thải của các tấm panel ĐMT tại Việt Nam cấp thiết hơn so với các nước khác.
Không thể ràng buộc bằng lời hứa
Theo ông Trần Viết Ngãi, chất lượng của tấm pin năng lượng quyết định tỷ lệ rác thải ra môi trường. Nếu đầu tư làm pin chất lượng cao, tuổi thọ lên đến 30 năm, từ các quốc gia phát triển, đã có kinh nghiệm làm năng lượng tái tạo mấy chục năm qua như Đức, Pháp, Ý, Úc... giá thành rất cao.
Còn lại, pin năng lượng của Trung Quốc đang được sản xuất đại trà, giá rẻ tuổi thọ thường chỉ 7 - 10 năm, khó cao trên 15 năm như quảng cáo của họ là 20 - 25 năm. Trước mắt, cần có công nghệ... bảo quản các tấm pin để nâng tuổi thọ các tấm pin, song song công nghệ xử lý rác thải. Ông nói, Việt Nam đang phát triển các dự án ĐMT, khuyến khích phát triển là điều tốt, nhưng chúng ta chưa có quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm xử lý pin thải từ nhà đầu tư.
Hiện tại, các quy định đề cập trong Thông tư 18 của Bộ Công thương chỉ “lớt phớt”, không có ràng buộc trách nhiệm. Trong quy chế đấu thầu sắp tới đối với các dự án ĐMT mà Bộ Công thương đang soạn thảo, cần đưa vào đủ 4 yếu tố bắt buộc. Đó là chất lượng tấm pin (bao gồm xuất xứ, thương hiệu, cam kết của nơi cung ứng hàng...), công suất thời gian phát điện, giá cả và thời gian khấu hao, pin được sử dụng bao lâu... Giá bán điện từ nhà đầu tư cho quốc gia cũng không nên và không thể là yếu tố đặt lên hàng đầu mà là chất lượng của tấm pin.
Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm bổ sung, Thông tư 18 thể hiện “niềm tin” của Bộ Công thương rằng các nhà sản xuất hứa sau khi hết thời gian sử dụng sẽ thu hồi lại, xử lý phần kim loại nặng từ các tấm quang điện, phần còn lại đem chôn lấp, xử lý như rác thải thông thường.
Họ cũng hứa sẽ chịu chi phí xử lý rác thải từ những tấm pin năng lượng mặt trời, người dân không phải bỏ tiền. Tuy nhiên tất cả chỉ là ràng buộc trên lời hứa, như 1 điều khoản thêm vào cho đủ thủ tục trong bối cảnh cấp thiết đầu tư các nhà máy ĐMT để kịp thời bù đắp thiếu hụt điện trong nước.
Chưa có chế tài cưỡng chế, đảm bảo rằng nếu các nhà sản xuất, nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì sẽ phải đền bù, chịu trách nhiệm. Quy định mỏng này có thể dẫn đến một tương lai màu xám như điện than, đánh giá tác động môi trường yêu cầu phải khử bỏ phần kim loại nặng nhưng vẫn không có đủ chế tài để làm, để xử lý, khiến điện than trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
“Cần quy định cụ thể yêu cầu nhà đầu tư phải đền bù hoặc giảm giá thành như một khoản bù đắp về ô nhiễm, giống như điện than đang bị yêu cầu đóng thêm thuế ô nhiễm môi trường.
Kèm theo đó, phải có chế tài và biện pháp đủ mạnh, chính quyền địa phương đủ trách nhiệm để thực hiện chế tài đó. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhưng không có nghĩa phát triển càng nhiều càng tốt. Cần có quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng một cách hợp lý, sử dụng cân đối giữa các nguồn nhiên liệu sơ cấp, phát triển hài hòa theo từng giai đoạn vì có thể 10 năm sau, công nghệ, các biện pháp sẽ khác, hướng xử lý cũng sẽ có nhiều thay đổi”, vị này đề xuất.
Chất đóng góp chính vào tổng trọng lượng của mô-đun tinh thể bán dẫn silicon crystalline silicon (c-Si) (a typical crystalline silicon PV module) là thủy tinh (75%), tiếp theo là polyme (10%), nhôm (8%), silicon (5%), đồng (1%) và một lượng nhỏ bạc, thiếc, chì, và các kim loại và linh kiện khác.
Chì và thiếc, nếu bị ngấm vào đất và nước ngầm sẽ gây ra các mối lo ngại về sức khỏe và môi trường, trong khi đồng, bạc và silic mang lại cơ hội tạo ra giá trị mới nếu được thu hồi hiệu quả.
Vì vậy, phương án chôn lấp nên được thay thế hoàn toàn bằng tái chế để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và lấy lại các vật liệu có giá trị trong bảng điều khiển.
Nguồn : Thanh Niên